Nghe qua tựa sách Cẩm Nang Kinh Tế Học của Ha Joon Chang nhiều người nghĩ như một cuốn giáo trình, nhưng không hề, cuốn sách như dạng khoa học thường thức dành cho mọi người, tác giả chỉ ra rằng: “Kinh tế học thực sự là vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải quan tâm chứ không riêng các chuyên gia”.
Bạn sợ nó khó hiểu. Hãy yên tâm, vì GS Ha-Joon Chang đảm bảo rằng:
Không có gì trong cuốn sách này mà người đọc không thể hiểu được, nếu như họ đã hoàn thành giáo dục trung học cơ sở.

Cuốn sách này xuất phát từ ý tưởng của nhà xuất bản Penguin gợi ý cho giáo sư Ha-Joon Chang viết một cuốn sách giới thiệu về kinh tế học có thể tiếp cận được đông đảo người đọc. Ông đã phối hợp cùng với các biên tập viên và các cộng sự trong nhiều lĩnh vực để có góc nhìn đa chiều hơn, gần gũi hơn cho đọc giả. Và cuốn sách được hoàn thành sau hai năm với sự giúp đỡ của nhiều người.
Với mục tiêu rất rõ ràng: chỉ cho người đọc cách suy nghĩ, chứ không phải suy nghĩ gì, về nền kinh tế.
Phần đầu của cuốn sách đã đi từ việc hướng dẫn độc giả “Làm quen với kinh tế học”: bàn về kinh tế học là gì (một ngành nghiên cứu về nền kinh tế), nền kinh tế là gì, bằng cách nào nền kinh tế của chúng ta phát triển như ngày hôm nay, và những cách khác nhau để tìm hiểu kinh tế học và ai là những tác nhân kinh tế chính.
Sau khi đã “quen thuộc” với kinh tế học, tác giả thảo luận về cách chúng ta có thể “sử dụng” nó để hiểu về thực tiễn của nền kinh tế thế giới.
Bạn có thể biết được: độ lớn của nền kinh tế thế giới là bao nhiêu, sản lượng của Brazil và Hoa Kỳ là bao nhiêu, Trung Quốc hay Cộng Hòa Dân Chủ Công đầu tư bao nhiêu phần trăm tổng sản lượng của họ, thời gian làm việc tại Hy Lạp hay Đức là bao nhiêu. Và những con số này sẽ đi kèm các thông tin về thể chế, nguồn gốc lịch sử, chính sách…
Dịch giả TS Nguyễn Tuệ Anh, nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford nói rằng : « Điều mà Giáo sư Ha-Joon Chang đã làm trong cuốn sách này chính là bù đắp cho những thiếu sót còn đang tồn tại trong giảng dạy kinh tế và trong thường thức nói chung của xã hội về môn kinh tế học. Ông không chỉ là một nhà nghiên cứu thành công, một người thầy giảng dạy bộ môn theo cách đáng lẽ kinh tế học nên được truyền dạy mà còn là một người ủng hộ những cải cách cần thiết để kinh tế học trở nên gần gũi hơn, mang tính ứng dụng cao và đúng với bản chất của một ngành khoa học xã hội. »
——-
* Về GS Ha-Joon Chang:
– Năm 2003 – Giành giải Gunnar Myrdal về Kinh tế Chính trị học Tiến hóa của Hiệp hội châu Âu.
– Năm 2005 – Giành giải Wassily Leontief về Cải thiện những Giới hạn của Tư tưởng Kinh tế của Đại học Tufts (bên cạnh các tên tuổi đoạt giải Nobel Kinh tế như Amartya Sen, Kahneman, và Angus Deaton).
– Năm 2014 – Top 10 các nhà tư tưởng hàng đầu thế giới do Tạp chí Prospect bình chọn.
– Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển, Đại học Cambridge, Anh.
* Về dịch giả:
– Tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh hiện đang nghiên cứu tại Đại học Oxford về Kinh tế và Chính sách Dịch vụ công, và trước đó tại Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Oxford.
– Từ năm 2015, bà còn là chuyên gia của Viện Tư duy kinh tế mới (INET) và Điều phối viên của Tổ chức Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) ngành Kinh tế phát triển.
– Bà lấy bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Greenwich với giải thưởng Luận án sau đại học tốt nhất và giải thưởng Sinh viên xuất sắc nhất năm.
– Bà đã từng tham gia thỉnh giảng tại Đại học Dundee, Đại học Tufts, Chương trình Erasmus của Liên minh châu Âu và Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
* Về hiệu đính:
– Ông Nguyễn Đôn Phước sinh năm 1951, tốt nghiệp trường Quốc gia thống kê và quản lý kinh tế (1973).
– Từng giảng dạy kinh tế tại đại học Paris;
– Năm 1981, làm chuyên gia thống kê kinh tế cho viện Quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE), cho UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development).
– Hiện là dịch giả, nhà nghiên cứu độc lập về thống kê, kinh tế tại Tp.HCM.
Omega Plus