Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó.
Tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu khi cầm trên tay quyển “Những Tấm Lòng Cao Cả” của Edmondo De Amicis. Một tác phẩm mà khi đã đọc đến trang cuối cùng, đọng lại trong lòng người lại là những bài học giản dị nhất nhưng lại sâu sắc nhất.
Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn đã đấu tranh cho độc lập nước Ý vào năm 20 tuổi, đấu tranh cho công bằng xã hội vào năm 40 tuổi. Mang trong mình một hoài bão to lớn là xây dựng đạo đức cho thế hệ tương lai, trong những trăn trở, bâng khuâng ông cầm bút và dựng xây một câu chuyện nhân văn đầy cảm động về những cuộc đời giản dị.

Truyện được viết dưới hình thức một quyển nhật kí, một cậu bé người Ý, Enrico Boottini, hằng ngày ghi lại những việc lớn nhỏ diễn ra trong cuộc đời học sinh của cậu. Mỗi tháng thầy giáo lại cho chép một câu chuyện để đọc trong lớp, rối đến những lá thư của bố, mẹ, cậu đều xếp vào cuốn nhật kí. Enrico cũng không quên ghi lại những việc ngoài phố với sự tham gia của người ngoài. Rõ ràng, Amicis đã rất tinh tế khi nhận ra việc giáo dục một đứa trẻ phải xuất phát từ ba mặt giáo dục tốt: gia đình, nhà trường và xã hội.
Đây là một quyển cẩm nang dạy trẻ và để trẻ tự xây dựng một lối sống có văn hóa hoàn hảo. Dạy trẻ phải dịu dàng nhân từ nhưng đối với lỗi lầm của trẻ thì phải nghiêm khắc.
Có lỗi với bạn, Enrico ngỡ bạn đánh nên giơ thước kẻ dọa đánh, nhưng thấy bạn làm lành liền ôm chầm lấy bạn. Sau đó, câu kể cho bố nghe, nào ngờ bố mắng: Con không được giơ thước dọa một đứa bé tốt hơn con, dọa con trai của một quân nhân!“. Bố giật thước kẻ bẻ làm đôi.
Thấy Enrico dửng dưng trước một bà mẹ đói khổ, mẹ Enrico đã viết ngay thư dạy dỗ con về bổn phận đối với người nghèo và quy luật cho và nhận. “Người nghéo khổ này đã trả lại cho mình nhiều hơn những đồng tiền mà mình đẫ cho họ… Con hãy nghĩ rằng con chẳng thiếu thốn gì hết trong khi bà mẹ kia thì thiếu thốn tất cả mọi thứ; con ước mong được sung sướng thì họ cầu xin được khỏi chết. Thật là buồn khi nghĩ rằng giữa bao nhiêu nhà giàu có, ngoài phố xá qua lại bao nhiêu là xe cộ và trẻ em mặc toàn áo nhung, lại có những trẻ em không gì mà ăn cả”.
Người giáo dục khéo là người biết lợi dụng những vấn đề nhỏ để dạy con những điều lớn lao. Bố Enrico đã đem con đi đến những lớp học buổi tối dạy những quân nhân, những người lao động nghèo khổ để con ngạc nhiên và khâm phục, đồng thời cũng để con biết trân quý những điều bản thân đang có.
Thầy giáo thì kể lại chuyện cậu bé dũng cảm Mario đi biển đắm tàu, được xuống xuồng cấp cứu, nhưng em đã liều thân mình cứu người bạn mới quen, vì bạn còn bố mẹ, còn minhg thì côi cút. Tàu đắm, cậu bé đứng ở mạn tàu, đầu ngẩng cao, mái tóc bay trước gió, bất đọng cao cả, tuyệt vời…
Ngày phát phần thưởng, ông bồi thẩm đoàn kết thúc buổi lễ, nhắc học sinh:“Ra khỏi đây, các cháu không được quên gửi một cái chào và một lời cảm ơn đến những người đã vì các cháu mà không quản bao khó nhọc, những người đã hiên tất cả sức mạnh của trí thông minh và lòng dũng cảm cho các cháu…”
Qua ngòi bút mượn tính cách trẻ con, ông đã viết một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học với những hình tượng cô giáo, thầy giáo qua những đường nét chấm phá nhưng khó lòng quên được.
Xã hội tư bản chủ nghĩa dạy Enrico phải yêu quý lao động chân tay và kính trọng người lao động, vì sự cao quý là ở lao động chứ không phải đồng lương hay cấp bậc. Phải yêu thương họ vì trong lồng ngực ấy có những trái tim tuyệt vời.
Xã hội hiện nay, khi con người sống ngày càng vô cảm, họ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị vật chất tầm thường, quen với những tình cảm ảo mà quên những tình cảm, những giá trị chân thành thì phương pháp giáo dục giới trẻ nên được chú trọng.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, ngay từ nhỏ, các bậc cha mẹ phải dạy cho con trẻ những câu chuyện nhân văn, hướng con tới các giá trị chân – thiện – mĩ để các bạn nhỏ định hình nhân cách. Nếu vậy, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn, con người ngày càng gần người hơn.
Mỗi xã hội có một phương pháp giáo dục khác, nhưng Những Tấm Lòng Cao Cả vẫn sẽ sống mãi trong lòng người đọc vì những giá trị tốt đẹp của nó.