Dạo gần đây, tôi thấy có rất nhiều người chỉ trích dòng sách Self Help là vô giá trị, ít ý nghĩa và tào lao. Và với tư cách là người đọc sách, và cũng từng là người huấn luyện Self Helf cho sinh viên, doanh nghiệp, tôi có ít ý kiến thế này.
Trước khi vào ý chính, tôi nghĩ hiện tại có hai dòng Self Help chính ở VN như sau :
– Dòng dịch từ nguyên bản sách nổi tiếng như: Nghĩ Giàu Làm Giàu, 7 thói quen thành đạt, Những Nguyên tắc Thành Công, Trí Tuệ Do Thái, Cha Giàu Cha Nghèo…
– Dòng viết từ cảm nghĩ của tác giả như sách của các diễn giả, các doanh nhân thành công như sách của Tony Buổi Sáng, sách của Alan Phan, sách của Quách Tuấn Khanh.
Và khi bắt đầu suy nghĩ về việc sách self Help có hại hay không? Tôi có một vài câu hỏi :
– Quyển Cổ học Tinh hoa của cụ Nguyễn Văn Ngọc có phải sách Self Help hay không?
– Quyển đại học của Khổng Tử có phải sách dạng Self help hay không?
– Đạo đức kinh của Lão tử liệu có phải sách Self Help hay không?
– Kinh thánh có phải sách Self Help hay không?
– Dòng sách về quản trị của Henry Mintzberg, của Peter Drucker, hay Malcolm GladWell có được xem là sách Self Help hay không?
– Sách Kinh của Phật giáo có phải sách Self Help hay không?
Và ngoài ra còn khá nhiều câu hỏi tương tự về các loại sách, mà chứa đựng trong nó là các lời khuyên nên làm và phải làm. Câu trả lời của bạn về việc các loại sách trên có phải sách Self Help hay không là tùy vào bạn đọc, tuy nhiên các loại sách trên và các sách Self Help mà tôi đề cập đều có 3 phần chính giống nhau:
– Phần 1 là những câu truyện về những con người, và những sự vật có thật, đã xảy ra.
– Phần 2 là phân tích và đánh giá những câu chuyện.
– Phần 3 là bài học rút ra, những lời khuyên về việc con người nên cư xử , suy nghĩ và hành động như thế nào.
Những sách hiện đại sau này thì có cả phần thống kê, và phần phân tích sâu từng tình huống.
Nếu bạn đọc đủ nhiều, đủ kỹ thì đa phần số sách dạng lời khuyên sẽ chia sẻ một số suy nghĩ cơ bản của nhân loại về Chân, Thiện, Mỹ, cái mà chúng ta gọi là Nền văn Minh của chúng ta. Những quan điểm cơ bản này như sau :
– Tin tưởng.
– Chủ động.
– Hành động.
– Yêu thương.
– Suy nghĩ cặn kẽ về nguyên nhân và kết quả.
Và dù có khác biệt về câu chuyện, về lời khuyên hay về mục tiêu quyển sách nhắm tới. Tất cả sách dù dạng nào đều dùng để khuyên con người sống và học tập điều tốt đẹp.
Dĩ nhiên, vì là sách, là sự kết hợp giữa trí tuệ, kiến thức, trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc của con người. Nên sẽ có sách viết hay, sách viết dở, sách chân thực, sách ba xạo, sách có lỗi, sách không lỗi, sách do cá nhân nổi danh, sách do học giả, sách do người thường viết. Thích đọc thế nào, thích đọc nội dung ra sao, thích cách diễn đạt … đều là khẩu vị cá nhân.
Quan trọng nhất vẫn là người đọc học gì, làm gì từ việc đọc được nội dung trong sách nói. Và đó hoàn toàn là phụ thuộc vào người đọc.
Tôi không thể yêu thích ai đó bảo sách là rác, việc một số người thường xuyên chê bai người này người kia, đó là một việc rất tệ với chính bản thân các vị. Về mặt tâm lý học, khi bạn thường xuyên chê bai và nhục mạ một ai đó, hay một cái gì đó, các bạn sẽ ngày càng rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, dễ bị ám ảnh, dễ căng thẳng và khó khăn khi phải ra quyết định lớn.
Thân ái.
Hải Nguyễn