Vấn đề sách self-help có giá trị hay nhảm nhí, tinh hoa hay không tinh hoa, bản thân tôi tham gia group “Cộng đồng đọc sách tinh hoa” thấy thành viên cũng có nhiều tranh cãi. Nên tuổi trẻ cũng xin phép đóng góp đôi lời:
Tôi thiết nghĩ, cái sai đầu tiên của chúng ta là phân loại tinh hoa dựa trên thể loại sách. Nên sách văn học kinh điển, chính trị, triết học… dễ xếp vào hàng tinh hoa. Còn sách self-help mặc nhiên bị loại.
Không hẳn!
Ở đây tôi đưa ra 2 luận điểm:
MỘT.
Bất kể dòng sách nào cũng có cuốn hay cuốn dở. Ngay cả con người cũng có người hay người dở. Chúng ta không thể vì Luyện mà hàm ý tính cách dân Bắc Giang, thì cũng không thể vì những cuốn sách self-help dở mà chê bai dòng self-help. Vậy nên, câu hỏi đúng không phải “Dòng sách nào tinh hoa? Cuốn sách nào tinh hoa?” mà là “Trong dòng sách này, cuốn nào tinh hoa?”. Bởi tinh hoa, hiểu đơn giản là cuốn đó mang lại giá trị tốt đẹp tác động vào cá nhân người đọc, sâu xa hơn là cộng đồng.
Ví dụ:
– 2 cuốn sách của Tony buổi sáng (TnBS) đang ảnh hưởng tích cực lên người trẻ, nhất là học sinh-sinh viên. Họ truyền tay nhau, gợi ý cho nhau nên đọc (nhất là những người bắt đầu đọc). Hà cớ gì mà 2 cuốn này không thể xếp vào tinh hoa của dòng self-help?
– Sách “Đắc nhân tâm” và “Think and grow rich”, nó cung cấp bộ công cụ cùng những chỉ dẫn. Giống như một con dao sắc mà tác giả truyền lại, còn anh dùng thế nào là việc của anh. Không thể nói theo kiểu tác khuyên chúng ta chỉ ước mơ không lao động, hay dẫn dụ lừa phỉnh người khác để mưu cầu lợi ích riêng. Hãy xem số lượng sách đã được bán, những số phận thay đổi nhờ nó, thì 2 cuốn này cũng có thể xếp vào tinh hoa chứ!
HAI.
Sách self-help mang tác động tiêu cực, chúng ta cùng thừa nhận điều đó. Nhưng đây là lỗi do (1) bên xuất bản và (2) người đọc.
Về phía xuất bản
NXB đã ném ra thị trường những cuốn sách vớ vẩn với chất lượng tồi chỉ vì tác giả có cộng đồng (fan). Một thằng ngu bao giờ cũng có một thằng ngu hơn tán dương nó, sách tồi được tuồn ra bán cho nhóm khách hàng chính là nội bộ cộng đồng, nhưng điều này làm “ô nhiễm” sách hay, làm giảm chất lượng sách chung.
Hãy tưởng tượng một người mới đọc sách, họ vô tình vớ phải những cuốn nhảm nhí in ra chỉ tổ tốn giấy, họ sẽ không còn đánh giá cao sách, và họ nói sách không quan trọng, và cứ thế chúng ta chết luôn một nền văn hóa đọc.
Về phía người đọc
Họ rơi vào những trạng thái cảm xúc và phản ứng tiêu cực do:
(1) không ai định hướng họ đọc sách self-help nào, không ai chỉ cho họ thế nào là cuốn hay và cuốn dở. Họ mua sách vì cuốn này xuất hiện ở vị trí nổi bật để nhìn trong hiệu sách, vì nó bán chạy trên các trang mạng. Dù 50 triệu người đọc một cuốn dở hơi thì nó cũng chỉ là một cuốn “dở hơi bán chạy”. Và người đọc đang vớ phải những cuốn đó.
(2) Tư duy người đọc yếu/hạn chế nhận thức, họ không xét bối cảnh: thời điểm tác giả viết, quốc gia tác giả sống, lăng kính tác giả nhìn… nên họ bắt chước rập khuôn sẽ bị thua, nhưng đây không thể là lỗi tác giả hay cuốn sách.
(3) Người đọc bị những kẻ giả danh chuyên gia “bơm” vào đầu những suy nghĩ tồi tệ. Những kẻ “diễn giả” đó diễn giải sai nội dung cuốn sách trong những hội thảo, khóa học “thủ thuật/công thức/bí kíp/lối tắt thành công/giàu có” của gã; rồi lại tự viết sách với những suy nghĩ lệch lạc. Điều này tác động tiêu cực đến tất cả những người tham gia, và họ được trả lại xã hội trong trạng thái “ngáo ngơ”, “hoang tưởng”.
Tóm lại, self-help không có lỗi; lỗi tại nhiều bên !!!
Và ý tôi đưa ra vẫn là: phân loại tinh hoa theo từng dòng sách. Để chữ “tinh hoa” có thể xuất hiện trong thể loại self-help.
Tuấn Anh Bùi
[…] Xem thêm: Thử giải quyết vấn đề sách Self Help có giá trị hay nhảm nhí […]